Cơ hội tuyển dụng lại đến, nhưng bạn vẫn đang loay hoay không biết phải viết CV như thế nào, khi kinh nghiệm đi làm thật ít ỏi. Đây cũng là nỗi lòng của các sinh viên sắp tốt nghiệp. Đừng để việc thiếu kinh nghiệm cản trở quá trình gửi đơn ứng tuyển của bạn. TTPTNLSV sẽ chia sẻ với bạn 3 mẹo viết CV khi chưa có kinh nghiệm làm việc, bao gồm cả giả phá tạm thời và lâu dài, hứa hẹn giúp bạn vươn đến vị trí công việc mơ ước.
#1 Hiểu rõ mô tả công việc
Trước khi viết CV, bạn nên xác định được bản thân muốn ứng tuyển vào vị trí nào, tại môi trường ra sao. Từ đó tìm mô tả công việc của những công ty có vị trí đó và đọc thật kỹ.
-
Đọc kỹ bản mô tả công việc cho vị trí dự tuyển, xác định các từ khóa quan trọng.
-
Dựa trên từ khóa, tự đánh giá bản thân ở những yếu tố liên quan có thể để đưa vào CV như: Kiến thức, kinh, nghiệm, kỹ năng, thái độ v.v...
#2 Nắm rõ CV cần có thông tin gì
Tham khảo các CV tốt trên các trang mạng uy tín.
Cấu trúc một CV thường có 5 phần chính (hoặc nhiều hơn), sắp xếp tùy theo chủ điểm mà bạn muốn nhấn mạnh. Trong đó có:
- Thông tin cá nhân (Personal profile)
- Học vấn / Đào tạo / Chứng nhận
- Kỹ năng / Thành tựu / Giải thưởng
- Kinh nghiệm làm việc
- Hoạt động ngoại khóa
Ở phần kinh nghiệm làm việc, bạn có thể chia ra làm 2 phần kinh nghiệm làm việc và kinh nghiệm tham gia hoạt động tình nguyện.
Khi thiếu kinh nghiệm làm việc nhưng bạn có những chứng nhận hoặc chứng chỉ thì hãy đẩy mục Học vấn lên trên. Sắp xếp bố cục CV làm sao để nhà tuyển dụng thấy được thế mạnh của bạn trước nhất.
#3 Viết kinh nghiệm có liên quan
Giải pháp tạm thời đầu tiên khi thiếu trải nghiệm làm việc là hãy đưa nhiều kinh nghiệm có liên quan với yêu cầu và mô tả công việc vào CV, bao gồm: Kinh nghiệm trong hoạt động học tập và hoạt động xã hội hoặc tình nguyện.
Giả sử bạn chưa hề có kinh nghiệm làm việc, hãy viết về các hoạt động tình nguyện, các câu lạc bộ tại trường mà bạn đã tham gia. Nhưng nếu bạn cũng hổng có tham gia vào câu lạc bộ nào, hãy viết về những hoạt động nhóm của bạn khi học tập, những dự án bài vở có liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển.
- Ví dụ, công ty A đang tuyển vị trí trợ lý Truyền thông, yêu cầu kiến thức chuyên ngành về Marketing, kỹ năng lên nội dung, kỹ năng làm việc nhóm,... Bạn có thể liệt kê trong kinh nghiệm và trải nghiệm của mình, những hoạt động nào liên quan đến công tác đội nhóm, những dự án nào từng làm cho bạn nhiều kỹ năng lên ý tưởng, viết bài báo…
#4 Viết kinh nghiệm theo công thức HKI
Khi liệt kê kinh nghiệm, hãy:
- Làm chi tiết về vai trò mà bạn đã làm trong công việc theo công thức HKI: Thực hiện Hoạt động nào, đạt được Kết quả gì, mang lại Ích lợi ra sao.
- Sử dụng các con số để chứng minh cụ thể
- Dùng nhiều động từ có ý nghĩa mạnh và mang tính chủ động.
Quản lý nhóm 20 bạn tình nguyện viên phụ trách quảng bá triển lãm Bảo vệ môi trường của nhóm Xanh.
Kết quả đã có 3000 lượt khách thăm quan trong 5 ngày sự kiện.
#5 Tạo CV có tính tương tác
Tăng tính tương tác cho CV nhằm thể hiện rõ kỹ năng bạn có cũng là một giải pháp tạm thời khác.
Làm cho CV có tính tương tác bằng cách thêm vào đường dẫn đến Linkedin, trang web cá nhân, Portfolio hoặc bài nói 2-3 phút tự giới thiệu về bản thân trên Youtube.
Bạn cũng có thể hướng bố cục CV tập trung vào sự phát triển của bản thân. Cho thấy bạn đã phát triển và thay đổi như thế nào trong vai trò của mình cũng như những thành tích bạn đã đạt được. Điều này sẽ cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn đã học được rất nhiều điều từ các hoạt động trước đây và bạn mong muốn học hỏi và mở rộng kỹ năng của mình.
#6 Tìm một giải pháp lâu dài
Với các bạn tân sinh viên, việc các bạn thổ lộ rằng mình chưa có kinh nghiệm, có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, với các bạn sinh viên sau 3-4 năm trong ghế nhà trường, việc các bạn nói với nhà tuyển dụng rằng bạn không kinh nghiệm sẽ khiến cho nhiều người nghe cảm thấy thất vọng trầm trọng. Vậy 3, 4 năm qua bạn đã làm gì? Hẳn bạn phải học tập chăm chỉ lắm nhưng nếu vậy GPA có đạt trên 3.8 không?
Do vậy, mong bạn tận dụng thời gian để bắt đầu tự tạo cho mình những kinh nghiệm riêng. Vẫn khuyên các bạn những lời như cô chú, cha mẹ thường khuyên, hãy tham gia các hoạt động ở trường, hội thảo, Workshop, câu lạc bộ, tham gia tình nguyện, tìm việc làm thêm, nơi thực tập và không nhận lương cũng được. Qua các công việc đó, kinh nghiệm bạn học được không chỉ là kỹ năng chuyên môn, mà còn là các kỹ năng có thể sử dụng được ở đa lĩnh vực như giao tiếp, sử dụng các phần mềm, quản lý lịch họp, các mối quan hệ...
Nếu còn thắc mắc, đừng ngại comment để được TTPTNLSV giải đáp giúp bạn nhé!
Chúc bạn sớm có được bản CV tốt và tạo ấn tượng.