Nếu biết mình có đôi cánh đầy uy lực cùng khả năng bay lượn điêu luyện, thì ắt hẳn Đại Bàng sẽ muốn trở thành chúa tể bầu trời với cuộc sống tự do, thay vì khoái chí trong một chiếc lồng thật đẹp.
Cũng như “chú đại bàng” ấy, trong mỗi chúng ta đều tồn tại những tiềm năng vô cùng đặc biệt. Điều chúng ta cần làm là biết được điểm mạnh của mình và mình nên làm gì để phát triển những điểm mạnh, tiềm năng đó. Chính vì vậy, bạn đừng nên bỏ qua bất kỳ bước nào trong 4 bước sau đây nhé!
Bước 1: Khám phá bản thân – Bạn đang sở hữu những tiềm năng nào?
Biết cách tìm ra lợi thế của bản thân sẽ mang đến cho bạn những hiểu biết thú vị về tính cách, điểm mạnh, điểm yếu cũng như thiên hướng nghề nghiệp phù hợp với bạn. Từ đó giúp bạn định hướng rõ ràng trong suốt quá trình phát triển và nâng cao giá trị bản thân.
Vậy làm thế nào để có thể khám phá bản thân? Để làm được điều này, Workingskills sẽ gửi đến bạn 3 trong số rất nhiều cách mà bạn có thể thực hiện dưới đây.
- Thực hiện một số bài kiểm tra tính cách sẽ giúp bạn tìm ra các đặc điểm tính cách chính của mình. Bên cạnh những nét tính cách nổi bật mà bạn dễ dàng nhận ra, bài kiểm tra cũng là cách để bạn khám phá những đặc điểm tiềm tàng của bản thân mà đôi khi chúng ta chưa nhận thức được.
- Thực hiện một số bài kiểm tra năng lực cơ bản được tạo ra để xác định khả năng của một người trong một kỹ năng hoặc lĩnh vực kiến thức cụ thể. Bằng cách đưa ra một loạt các câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến IQ, EQ, Logic, Toán Học, Ngoại Ngữ,… các bài trắc nghiệm này sẽ đánh giá được các thế mạnh cũng như thiên hướng nghề nghiệp cụ thể của bạn.
Để tìm hiểu thêm về các bài trắc nghiệm, bạn có thể tham khảo tại đây: 10 Bài Trắc Nghiệm Miễn Phí – Khám Phá Bản Thân
- Nhận phản hồi từ bạn bè, gia đình và đồng nghiệp
Nhận phản hồi từ bạn bè, gia đình và đồng nghiệp là một cách tuyệt vời, nhanh chóng và dễ dàng để xác định thế mạnh của bản thân – những năng lực mà bạn có thể đã thể hiện ra nhưng không tự mình nhận thấy được. Bạn có thể thu nhận phản hồi từ những người xung quanh một cách chủ động thông qua việc đặt câu hỏi.Từ những phản hồi đó, bạn có thể thiết lập nên “bản đồ lợi thế” của riêng mình và tìm cách phát huy chúng.
Tuy nhiên, một điểm hạn chế trong phương pháp này chính là cách nhìn nhận và đánh giá của mỗi người khác nhau; hơn thế hầu hết mọi người không thể hiểu hết hoàn toàn về chính bạn . Do đó, việc xuất hiện nhiều nhận xét trái chiều và thiếu sót là không thể tránh.Cũng vì thế, bạn nên cân nhắc và sàng lọc thông tin thật kỹ khi lắng nghe những phản hồi từ nhiều người.
Việc tự khám phá, kiếm tìm sức mạnh và kỹ năng của bản thân chưa bao giờ là điều dễ dàng. Tuy nhiên tiếp cận điều này từ nhiều quan điểm khác nhau được chứng minh là mang lại lợi ích to lớn cho cả phát triển nghề nghiệp và nhân cách cá nhân của mỗi người. Đặc biệt, đây là bước đầu rất quan trọng để chuẩn bị cho một quá trình phát triển bản thân trong những bước tiếp theo.
Bước 2: Tìm hiểu – Lập kế hoạch rèn luyện
- Tìm hiểu thông tin về những khả năng bạn đang sở hữu.
Sau khi biết được những lợi thế của bản thân, việc chủ động tìm hiểu sẽ giúp bạn biết được những vấn đề cần thiết để phát huy tối đa khả năng mà bạn đang sở hữu.
Ví dụ như, bạn sở hữu lợi thế nói chuyện trước đám đông nhưng để trở nên thành thạo điều đó bạn cần rất nhiều yếu tố cấu thành như: trình bày vấn đề một cách hợp lý và thuyết phục, giọng nói ngữ điệu, làm sao đứng trước đám đông một cách chuyên nghiệp, làm có thể xử lý các tình huống một cách khéo léo và linh hoạt,…
Để làm được điều đó, bạn hãy bắt đầu với những cụm từ như “làm sao để phát triển kỹ năng thuyết trình”, “thuyết trình như thế nào là hay” dưới sự hỗ trợ miễn phí từ các công cụ tra cứu phổ biến như Google, Cốc Cốc,… Không chỉ dừng ở đó, việc tham khảo ý kiến từ các anh chị đi trước, thầy cô, người thân, bạn bè,… cũng sẽ giúp bạn biết được nhiều thông tin vô cùng bổ ích từ những kinh nghiệm quý giá mà họ đã tích lũy được trong quá trình trải nghiệm thực tế.
Hãy nghiêm túc tìm hiểu cụ thể những vấn đề liên quan đến bản thân, điều đó sẽ giúp bạn đánh giá chi tiết và hiểu rõ hơn về năng lực hiện tại của chính mình. Từ đó, chủ động rèn luyện và phát triển năng lực ngay từ bây giờ.
- Lập kế hoạch chi tiết cho từng hành động:
Việc lập kế hoạch sẽ giúp bạn hình dung được mình cần làm những gì, làm như thế nào và trong thời gian bao lâu cho từng vấn đề cụ thể để có thể tận dụng tối đa quỹ thời gian mà mình đang sở hữu. Cũng như, bám sát những mục tiêu đề ra và đánh giá bản thân một cách chính xác qua từng giai đoạn.
Để có thể lập một kế hoạch rõ ràng và cụ thể, bạn hãy bắt đầu liệt kê tất cả công việc cần làm, các mục tiêu cần hướng đến theo một trình tự thực hiện cụ thể. Sau đó, phân chia thời gian phù hợp cho từng công việc đó. Những mục tiêu bạn cần đặt ra cũng chính là những gì mà bạn đã tìm hiểu được. Nhắc lại ví dụ bên trên, có thể thấy một trong những mục tiêu bạn cần đặt ra chính là rèn luyện kỹ năng thuyết phục và việc tiếp theo của bạn chính là xác định cần bao nhiêu tháng để rèn luyện, chi tiết hơn là mỗi ngày cần phải làm gì và làm trong thời gian bao lâu,…
Lên kế hoạch càng chi tiết và cụ thể sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian. Từ đó, giúp bạn hành động linh hoạt và hiệu quả hơn trong quá trình trải nghiệm và rèn luyện sắp đến.
Để hiểu rõ hơn cách thức đặt mục tiêu, lập kế hoạch, bạn có thể tham khảo thêm tại đây: Kỹ Năng Quản Lý Thời Gian Cơ Bản
Bước 3: Trải nghiệm – Làm gì với điểm mạnh mình đang có?
Quá trình trải nghiệm không những là một trong những công cụ hữu ích giúp bạn hoàn thành những mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch phát triển năng lực. Mà còn giúp bạn khám phá ra những khả năng phù hợp với bản thân trong môi trường thực tế.
Ví dụ như ở bước 1, bạn biết mình là một người hướng ngoại có khả năng giao tiếp, nhưng khi tham gia vào hoạt động xin tài trợ của câu lạc bộ, bạn nhận thấy mình không thể trình bày vấn đề với người khác. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc bạn lại phát hiện mình có khả năng thiết kế khi thử thiết kế một vài chi tiết cho bản kế hoạch. Từ đó có thể thấy, trải nghiệm là lúc bạn nhìn nhận rõ ràng hơn bản thân mình đang ở đâu, điểm yếu là gì,…. Để từ đó, có thể hoàn thiện kế hoạch mà mình đã đặt ra một cách thiết thực hơn để rèn luyện phát huy năng lực một cách hiệu quả.
Để biết được bản thân cần làm gì để thiết lập những trải nghiệm thú vị và hiệu quả trong những năm đại học cũng như bám sát kế hoạch mà mình đã đề ra, bạn có thể tham khảo thêm tại đây: Những Trải Nghiệm Không Thể Bỏ Qua Thời Sinh Viên
Bước 4: Rèn luyện – Phát triển bản thân là một quá trình kiên trì và nỗ lực
Nếu trải nghiệm là bước giúp bạn hiểu rõ hơn về những khả năng của chính mình, thì rèn luyện sẽ là một yếu tố vô cùng quan trọng để biến khả năng ấy trở thành một năng lực thực sự hay chính là những giá trị khác biệt của bạn. Từ đó, bạn còn có thể sử dụng chúng một cách hiệu quả và linh hoạt hơn trong cuộc sống hàng ngày.
Để thuần thục một khả năng, bạn cần phải luyện tập và thực hành thường xuyên những kỹ năng đó. Vì có rất nhiều người phải luyện tập hàng giờ, hàng ngày, thậm chí hàng năm mới có thể đạt được trình độ bậc thầy của một kỹ năng nào đó.Tuy nhiên, để rèn luyện một cách hiệu quả còn phụ thuộc vào khả năng duy trì và bám sát mục tiêu đề ra, theo một kế hoạch cụ thể của mỗi người. Thật vậy, chỉ khi bạn thường xuyên đánh giá kết quả bản thân qua từng giai đoạn, bạn mới biết cần phải điều chỉnh kế hoạch như thế nào để đạt được kết quả tốt hơn trong những giai đoạn tiếp theo.
Vậy làm thế nào để duy trì và bám sát kế hoạch? Điều đó nằm ở sự nỗ lực và quyết tâm của chính bạn. Hơn thế, để hoàn thành thật tốt quá trình trên, bạn nên tham khảo một số lời khuyên sau đây:
- Tập trung vào nhiệm vụ chính (loại bỏ các nguyên nhân gây mất tập trung như: Mạng xã hội, điện thoại,…).
- Hãy bắt đầu theo dõi và kiểm tra công việc hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng bằng các công cụ như To Do List, Google Calendar,…
- Hãy tự thưởng cho bản thân mỗi khi hoàn thành mục tiêu.
- Đánh bại sự trì hoãn bằng cách thường xuyên nhắc nhở bản thân về những mục tiêu đã đề ra.
- Đặt ra những cột mốc thời gian cần hoàn thành một mục tiêu nào đó.
Rèn luyện hiệu quả là cách duy nhất để chúng ta có thể vượt qua những giới hạn của bản thân và tối đa hóa tiềm năng của con người chúng ta. Và đôi lúc, chỉ đơn giản là giúp chúng ta trân trọng những gì mình đang có và sống một cuộc sống có mục tiêu phấn đấu mỗi ngày thay vì cứ chằm chằm ôm chiếc điện thoại, vùi mình trong chăn ấm, nệm êm.
Sau khi thực hiện 4 bước trên, bạn đã có bản đồ kỹ năng của mình. Đừng ngần ngại hay cảm thấy áp lực khi khám phá khả năng của chính mình. Giờ đây, hãy hít thở sâu và bắt đầu suy nghĩ về những gì bạn sẽ làm tiếp theo nhé.
Nguồn từ: Biên tập Ngoan Huỳnh – Cổng thông tin thực tập Internship.edu.vn