Hướng nghiệp bằng Mật mã Holland
12 09 , 2021

Hướng nghiệp bằng Mật mã Holland

Thg9 , 2021

Lý thuyết Mật mã Holland được phát triển bởi nhà tâm lý học John Holland (1919-2008). Ông đưa ra một số luận điểm rất có giá trị trong hướng nghiệp, trong đó có 2 luận điểm cơ bản là:

  1. Nếu một người chọn được công việc phù hợp với đặc tính nghề nghiệp của họ, thì họ sẽ dễ dàng phát triển và thành công trong nghề nghiệp. Nói cách khác, những người làm việc trong môi trường tương tự như đặc tính nghề nghiệp của mình hầu hết sẽ thành công và hài lòng với công việc.

  2. Hầu như ai cũng có thể được xếp vào một trong sáu kiểu đặc tính nghề nghiệp và có sáu môi trường hoạt động tương ứng với 6 kiểu đặc tính nghề nghiệp, đó là: Nhóm kỹ thuật (KT); Nhóm nghiên cứu (NC); Nhóm nghệ thuật (NT); Nhóm xã hội (XH); Nhóm quản lý (QL); Nhóm nghiệp vụ (NV).

 

Sau đây là nội dung mô tả đặc điểm của 6 nhóm Holland.

Nhóm Kỹ thuật: Thích làm việc đồ vật cụ thể, với máy móc, dụng cụ. Yêu động thực vật và các hoạt động ngoài trời. Những người có thiên hướng Kỹ thuật thường có lối sống ngăn nắp, ít quan tâm đến việc gây dựng quan hệ với những người xung quanh. Ngược lại, họ dành sự quan tâm lớn cho các yếu tố hữu hình như: Địa vị, quyền lực, tiền bạc, … cụ thể, máy móc, vật dụng cụ thể.

Một số ngành nghề phù hợp với đặc tính Kỹ thuật gồm: Kiến trúc, xây dựng, công nghiệp dân dụng, kỹ thuật, lái xe, huấn luyện viên, nghề mộc, nông – lâm nghiệp (quản lý trang trại, nhân giống cá, lâm nghiệp…), cơ khí (chế tạo máy móc, luyện kim, cơ khí ứng dụng, bảo trì và sửa chữa thiết bị,…), địa lý – địa chất (đo đạc, vẽ bản đồ địa chính), dầu khí, hải dương học, điện – điện tử, quản lý công nghiệp…

Nhóm Nghiên cứu: Thích tìm tòi, suy ngẫm để phát hiện ra vấn đề. Họ thường có khả năng quan sát, điều tra, phân tích, đánh giá để giải quyết các vấn đề về thế giới, môi trường tự nhiên. Những người thuộc nhóm Nghiên cứu thường học tốt ở trường, thích thông tin chính xác và tin tưởng vào khoa học. Nhưng mặt khác, họ có thể thiếu kỹ năng lãnh đạo. 

Nếu bạn thấy mình có các đặc điểm trên, rất có khả năng bạn sẽ phù hợp với những ngành nghề như: Khoa học công nghệ (công nghệ thông tin, quản trị mạng máy tính; môi trường, vật lý kỹ thuật,….); nông lâm (nông học, thú y…); khoa học tự nhiên (nghiên cứu toán, lý, hóa, sinh, địa lý, thống kê…); khoa học xã hội (nhân học, tâm lý học, pháp luật, sử học, địa lý…); y – dược (bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, nha sĩ, dược sĩ, kỹ thuật lâm sàng,…); 

Nhóm Nghệ thuật: Thường được biết đến với khả năng nhạy cảm, trực giác tốt, tính sáng tạo cao, trí tưởng tượng phong phú ưa thích hướng đi tự do không rập khuôn. Họ thích thể hiện sự sáng tạo trong các hoạt động nói và viết, biểu diễn, kịch nghệ, hội họa và sử dụng hình ảnh.

Bên cạnh đó họ không thích các hoạt động lặp đi lặp lại, bởi vậy, họ thường muốn cải tiến, đổi mới trong quá trình làm việc. Nhưng cũng vì lý do đó, điểm trừ lớn của nhóm Nghệ thuật là ít tuân theo luật lệ, khuôn phép và tránh các hoạt động mang tính nghiệp vụ.

Ngành nghề phù hợp với nhóm Nghệ thuật có thể kể đến: Văn học; báo chí (bình luận viên, dẫn chương trình, biên tập viên,…); truyền thông (truyền thông phát triển xã hội, tổ chức sự kiện, quan hệ công chúng, quảng cáo, …); sân khấu điện ảnh (diễn viên, đạo diễn, dựng phim, ca sĩ, nghệ sĩ múa… ), mỹ thuật, kiến trúc, thiết kế, thời trang, hội họa, giáo viên dạy Lịch sử/Anh văn,…

Nhóm Xã hội: Thích làm việc với con người, thích giảng dạy, cung cấp và làm sáng tỏ thông tin.

Vì thích các hoạt động tương tác với con người nên đặc điểm của nhóm Xã hội được thể hiện rõ qua các hoạt động hỗ trợ cộng đồng như: chăm sóc sức khỏe người khác, huấn luyện, chỉ dẫn, truyền đạt kiến thức. Nhưng bên cạnh đó, họ lại không khéo léo trong các hoạt động liên quan đến thủ công, kỹ thuật.

Ngành nghề phù hợp của nhóm Xã hội có thể kể đến là: Giáo viên; hướng dẫn viên du lịch; tư vấn tâm lý, công tác xã hội, tình nguyện viên, tư vấn – hướng nghiệp, sức khỏe cộng đồng, bác sĩ chuyên khoa, thẩm định giá, nhân sự, cảnh sát, nhà trị liệu tâm lý, nhân viên xã hội học, điều dưỡng, chuyên gia dinh dưỡng…

Nhóm Quản lý: Thích các hoạt động đòi hỏi tương tác với người khác nhằm đạt được các mục tiêu của tổ chức hoặc lợi ích kinh tế. Họ có khả năng quản lý, tác động, thuyết phục người khác và thể hiện ý kiến cá nhân nhằm đóng góp cho lợi ích nhóm. Họ là những người “dám nghĩ dám làm”, ưa thích hùng biện, đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu, tuy vậy lại thiếu năng lực nghiên cứu sâu một vấn đề.

Một số ngành nghề phù hợp với nhóm Quản lý như: Quản trị kinh doanh, thương mại, marketing, kế toán – tài chính, tài chính – ngân hàng, luật sư, kinh tế đối ngoại, kinh doanh quốc tế, dịch vụ khách hàng, tiếp viên hàng không, nhân viên sales, pha chế rượu, quy hoạch đô thị, …

Nhóm nghiệp vụ: Thích làm việc với các con số và dữ liệu, thích các hoạt động đòi hỏi sự trật tự, nề nếp. Họ có khả năng tỉ mỉ, cẩn thận thường tuân theo hướng dẫn có sẵn và có khuynh hướng không thích các hoạt động mơ hồ hoặc thiếu hệ thống.

Nhóm Nghiệp vụ rất tốt với hồ sơ, tài liệu; lưu trữ và quản lý dữ liệu. Vì giỏi tính toán, làm việc có quy trình nên những người trong nhóm Nghiệp vụ có thể đảm nhận các công việc liên quan đến: Vận hành chuỗi cung ứng, quản lý hành chính, y dược, thanh tra ngành, kế toán, kiểm toán, tài chính-ngân hàng, thống kê, kiểm duyệt,...

Trong thực tế, đặc tính nghề nghiệp của nhiều người không bó gọn trong một nhóm mà thường là sự kết hợp của 2 hoặc 3 nhóm đặc tính nghề nghiệp, có khi còn nhiều hơn, ví dụ: Nghiên cứu – Kỹ thuật, Nghệ thuật – Xã hội. Vì vậy, khi tìm hiểu sở thích của con, có thể phải xem xét ở nhiều hơn một nhóm đặc tính nghề nghiệp.

Mong rằng bài viết này đã cho bạn một góc nhìn mới về bản thân. Vẫn còn rất nhiều bài viết và chương trình hoạt động tại Trung tâm Phát triển Năng lực Sinh viên nhằm giúp bạn khám phá thế mạnh của bản thân, cùng theo dõi nhé!

Tin nổi bật